Nếu ai đó hỏi tôi: “Làm thế nào để đánh giá một mẩu quảng cáo hiệu quả?”. Câu trả lời của tôi khá đơn giản: “Nguyên tắc ABC về quảng cáo và phải đúng theo thứ tự này.”
A – Attention (Sự chú ý)
Mẩu quảng cáo sẽ không hiệu quả nếu không ai chú ý đến nó. Không có A, sẽ không có B và C. Và các công ty quảng cáo được trả tiền để làm việc này. Nếu mẩu quảng cáo của bạn không có khả năng làm người khác chú ý, bạn sẽ phải tốn rất nhiều tiền để lặp lại mẩu quảng cáo đó.
Ngày nay, chúng ta có quá nhiều thứ cần phải quan tâm. Tệ hơn, không ai muốn xem quảng cáo. Và kết quả là quảng cáo xếp hạng cuối cùng trong những mối quan tâm của người tiêu dùng.
Vậy làm cách nào nhận được sự chú ý từ họ? Về cơ bản, chúng ta có hai nguyên tắc để tạo sự chú ý.
Thứ nhất, cần có tính Khác biệt. Chúng ta cần tạo ra những gì mà người tiêu dùng chưa thấy bao giờ, chưa nghe bao giờ, chưa trải nghiệm bao giờ; những gì mang lại cho họ cảm xúc ngạc nhiên, thích thú, bất ngờ. Ý tưởng dùng người mẫu chụp hình bikini với máy bay là một ý tưởng khác biệt, thu hút ngay từ lần đầu.
Thứ hai là tính Liên quan. Chúng ta cần tạo ra những gì mà người tiêu dùng cảm thấy có ích, có lợi, có mối quan hệ thân thuộc với mình trong đó. Ý tưởng in tên lên lon nước ngọt là một ý tưởng tạo sự liên quan rất lớn.
Cả sự khác biệt và liên quan nói trên sẽ giúp quảng cáo được chấp nhận.
B – Branding (Thương hiệu)
Khi đã chú ý, xem xong mà người tiêu dùng không biết thương hiệu nào đang quảng cáo thì bạn đang phí tiền hoặc đang quảng cáo cho đối thủ. Thường thì những thương hiệu không nằm trong nhận biết đầu tiên của người tiêu dùng sẽ chịu thiệt thòi. “Đừng làm quảng cáo mì tôm chua cay nữa, vì mình càng quảng cáo, thương hiệu Hảo Hảo càng bán đắt.” – Một người kỳ cựu trong ngành hàng mì ăn liền cho hay.
Trong bối cảnh hiện nay, để có được hiệu quả cao nhất của branding, thương hiệu cần sự đồng nhất và thời gian. Đồng nhất về màu sắc, về câu chuyện, về sắc thái của quảng cáo, về slogan, nhạc hiệu,… Những thương hiệu lớn, được xây dựng đồng nhất qua nhiều năm sẽ có hiệu quả branding rất cao.
C1 – Consolidate (Củng cố)
Quảng cáo giúp củng cố những gì bạn đang nhớ về thương hiệu như thuộc tính, liên tưởng, thái độ để từ đó bạn sẽ lặp lại quá trình mua hàng. Không quảng cáo, xa mặt sẽ cách lòng.
C2 – Changing (Thay đổi)
Cuối cùng, xem xong quảng cáo, biết thương hiệu nào quảng cáo mà không tạo ra sự thay đổi, người tiêu dùng không mua hàng thì quảng cáo chỉ mang tính giải trí.
Ngày hôm nay, có được changing không khó. Thông qua nghiên cứu thị trường, chúng ta biết vì sao khách hàng chưa hay không mua sản phẩm của chúng ta. Thông qua những nghiên cứu về tâm lý học, tâm lý tiêu dùng, chúng ta biết được làm cách gì, nói gì để có thể thay đổi hành vi hay thái độ của khách hàng. Đó chính là chiến lược quảng cáo.
Bài viết được trích dẫn và chọn lọc từ sách Quảng cáo không nói láo – Tác giả Hồ Công Hoài Phương