Đây là bản tóm tắt sách Nghệ thuật PR bản thân tôi lưu lại để sau này đọc lại khi cần.

Hãy mua sách để hiểu đầy đủ nội dung và ủng hộ nhà phát hành nhé.

10 CÁCH GIÚP BẠN PR BẢN THÂN – CHIA SẺ Ý TƯỞNG SÁNG TẠO VÀ ĐƯỢC MỌI NGƯỜI CHÚ Ý

Làm thế nào để giới thiệu sản phẩm của tôi cho xã hội? Làm sao để mọi người biết đến? Làm sao để tìm được người ủng hộ?…
Nếu bạn trau dồi bản thân thật tốt, mọi người sẽ tự tìm đến bạn.
Nhưng chỉ làm tốt thôi vẫn chưa đủ. Để được tìm thấy, bạn phải nằm trong vùng tìm kiếm được.
Có một cách đơn giản để trưng bày sản phẩm của bạn ra. Khiến nó trở nên dễ tìm trong khi bạn vẫn có thể tập trung trau dồi kỹ năng nghề nghiệp.

Hầu hết những người mà tôi kính trọng và muốn “đoạt lấy” ý tưởng bất kể họ làm gì. Họ đều coi chia sẻ là một phần trong thời gian biểu hàng ngày.
Những người này không tỏ ra bí mật và giấu giếm về công việc. Họ rất cởi mở về những dự án họ đang làm. Họ đều đặn đưa sản phẩm, ý tưởng và những gì họ học được lên mạng.
Bằng cách hào phóng chia sẻ ý tưởng và kiến thức. Họ thường giành được sự ủng hộ của những người mà sau này họ có thể nhờ tới khi cần.

Sách nghệ thuật PR bản thân

Cuốn sách này dành cho những ai ghét tự PR bản thân.

Tôi sẽ cố gắng chỉ cho bạn cách nhìn công việc như một quá trình không bao giờ kết thúc.
Cách chia sẻ nhằm thu hút những người có thể sẽ hứng thú với công việc bạn làm.
Và cách xử lý các giai đoạn thăng trầm
khi trưng bày sản phẩm và bản thân bạn ra trước xã hội.

Hãy tưởng tượng ông sếp sắp tới chẳng cần đọc lý lịch của bạn vì ông ta đã đọc blog của bạn rồi.
Hãy tưởng tượng bạn là một sinh viên. Bạn kiếm được việc làm đầu tiên nhờ một dự án của trường mà bạn chia sẻ trên mạng.
Hãy tưởng tượng bạn mất việc. Nhưng bạn lại có một mạng lưới những người hiểu rõ bạn làm gì. Và họ sẵn sàng tìm cho bạn một công việc mới.
Hãy tưởng tượng khả năng biến một dự án ngoài lề hoặc sở thích thành nghề nghiệp. Vì bạn có những người ủng hộ sẵn sàng giúp đỡ…

Tất cả những gì bạn phải làm là bày sản phẩm ra.

1. Bạn không cần phải là một thiên tài.

Hãy tìm một cộng đồng tài năng.

Có rất nhiều hiểu lầm tiêu cực về sáng tạo.
Một trong những hiểu lầm tai hại nhất là “thiên tài cá biệt”:
Một cá nhân với những tài năng phi thường, bỗng xuất hiện ở một thời điểm trong lịch sử. Rồi cảm hứng đến, nó như một tia sét, một bóng đèn lóe lên trong đầu. Sau đó anh ta dành phần đời còn lại làm việc vất vả trong studio. Biến ý tưởng của mình thành một kiệt tác hoàn chỉnh để tung ra thị trường. Và nhận được sự quan tâm của toàn thế giới.
Nếu bạn tin vào thuyết thiên tài cá biệt thì sáng tạo là một hoạt động không liên quan gì tới xã hội.

Có một cách nhìn nhận sự sáng tạo tích cực hơn. Mà nhạc sĩ Brian Eno gọi là “Cộng đồng tài năng”. Theo hình mẫu này, những ý tưởng vĩ đại thường được tạo ra bởi một nhóm người sáng tạo. Những nghệ sĩ, nhà tư tưởng, nhà lý luận, những người dẫn đầu trào lưu và phong cách mới. Họ tạo ra một “hệ sinh thái tài năng”.

Nếu nhìn lại lịch sử kỹ hơn.
Bạn sẽ thấy rất nhiều người mà chúng ta tưởng là thiên tài độc lập.
Thực chất đều là mắt xích
trong “một tổng thể những người giúp đỡ lẫn nhau,
quan sát sản phẩm của nhau,
sao chép của nhau và đóng góp ý tưởng với nhau”.
Cộng đồng tài năng không làm giảm giá trị thành quả của các vĩ nhân kiệt xuất đó.
Nó chỉ cho thấy những sản phẩm tốt không được tạo ra một cách đơn độc
và xa rời xã hội.
Mà theo cách nào đó, sáng tạo luôn là sự hợp tác,
là kết quả của một trí tuệ liên kết với nhiều trí tuệ khác nhau.

Bạn không nhất thiết phải tài ba hay thông minh xuất chúng
để trở thành một mắt xích giá trị trong một cộng đồng tài năng.
Vấn đề là bạn đóng góp được gì?
Những ý tưởng bạn chia sẻ,
chất lượng các mối liên hệ do bạn tạo ra,
và những cuộc đàm luận do bạn khởi đầu.
Nếu quên hai chữ thiên tài đi
và cố nghĩ xem mình có thể đóng góp được gì cho một cộng đồng tài năng.

Chúng ta sẽ điều chỉnh được những kỳ vọng của bản thân
và của xã hội nơi chúng ta muốn được họ chấp nhận.
Chúng ta có thể ngừng hỏi mọi người làm được gì cho ta.
Mà bắt đầu tự hỏi chúng ta làm được gì cho họ.

Trên mạng, tất cả mọi người…
từ nghệ sĩ đến người quản lý nghệ thuật,
từ thợ lành nghề cho đến người hoc việc,
từ chuyên gia cho đến những kẻ nghiệp dư
tất cả đều có thể đóng góp thứ gì đó.

Hãy là kẻ nghiệp dư

Chúng ta đều hoảng sợ nếu để người đời nhận ra mình chỉ là tay mơ.
Tuy nhiên, trong xã hội hiện nay,
chính các a-ma-tơ – những con người nhiệt huyết sẵn sàng theo đuổi công việc vì tình yêu,
chẳng cần quan tâm đến tiếng tăm, tiền bạc hay địa vị
– lại có nhiều lợi thế hơn những kẻ chuyên nghiệp.
Bởi hầu như họ chẳng có gì để mất.
Các tay mơ sẵn sàng thử bất cứ thứ gì và chia sẻ kết quả họ đạt được.

“Một người mới bắt đầu thường nhìn thấy nhiều tiềm năng, trong khi một chuyên gia lại thấy rất ít”

Những kẻ a-ma-tơ không sợ mắc sai lầm, cũng không sợ trông lố bịch trước công chúng.
Họ đang yêu,
vì thế họ không ngần ngại
làm những việc mà người khác cho là ngớ ngẩn
hoặc nói thẳng ra là ngu dốt.

“Trong phạm vi của hoạt động sáng tạo, sự khác biệt giữa tầm thường và tốt là rất lớn. Tuy nhiên, dù tầm thường đến đâu thì nó vẫn nằm trong phạm vi đó; bạn có thể dịch chuyển từ tầm thường thành tốt theo thời gian. Khoảng cách giữa làm và không làm mới là khoảng cách thực sự.”
Người không chuyên hiểu rằng có đóng góp tất nhiên vẫn tốt hơn không đóng góp gì cả.

Cách tốt nhất để bắt đầu chia sẻ công việc của bạn
là nghĩ về những gì bạn muốn học,
cam kết học nó trước mắt mọi người.
Tìm một cộng đồng tài năng,
để ý xem mọi người đang chia sẻ những gì,
và sau đó ghi lại những gì họ chưa chia sẻ.
Để ý những chỗ trống để bạn có thể lấp đầy bằng chính nỗ lực của mình,
dù ban đầu chúng có tồi tệ đến đâu.
Lúc này đừng lo kiếm tiền hay tạo dựng sự nghiệp từ nó.
Hãy quên việc mình là chuyên gia hay chuyên nghiệp đi,
và khoác chiếc áo của kẻ nghiệp dư vào.
Chia sẻ những gì bạn yêu thích, và những người cùng chung sở thích sẽ tìm đến bạn.

Bạn không thể nghe thấy giọng mình nếu không dùng đến nó

Cách duy nhất để tìm thấy tiếng nói của mình là sử dụng nó.
Hãy nói về những thứ bạn yêu thích. Tiếng nói của bạn sẽ đi theo.

Trong thời đại ngày nay, nếu sản phẩm của bạn không được đưa lên mạng thì coi như nó không tồn tại.
Nếu muốn mọi người biết về những gì bạn đang làm và những thứ bạn quan tâm, bạn phải chia sẻ chúng.

Đọc cáo phó

Một ngày nào đó bạn sẽ chết. Hầu hết chúng ta đều muốn làm ngơ trước sự thật này, nhưng nghĩ về cái kết không thể tránh trong đời là một cách giúp chúng ta cân nhắc mọi việc thận trọng hơn.

Cáo phó không thực sự nói về cái chết; chúng nói về cuộc sống. “Mỗi bản cáo phó luôn tóm lược người đó anh hùng và cao cả ra sao”. Đọc về người chết và những gì họ làm với cuộc sống của họ khiến tôi muốn đứng dậy và làm gì đó tốt đẹp cho cuộc sống của chính tôi.

2. Tư duy quá trình, đừng tư duy sản phẩm

Hãy nhìn vào phía sau sân khấu

Sản phẩm nghệ thuật là bức tranh hoàn chỉnh. Được đóng khung và treo trong phòng triển lãm. Nhưng công việc nghệ thuật lại là tất cả những việc hàng ngày diễn ra phía sau sân khấu. Trong xưởng vẽ của người họa sĩ: tìm kiếm cảm hứng, lấy ý tưởng, phết dầu lên vải,…
Giống như mọi công việc khác. Quá trình làm việc và sản phẩm của họa sĩ là hai vấn đề hoàn toàn khác nhau.

Ngày nay, bằng việc chia sẻ quá trình làm việc của bản thân mỗi ngày. Về những thứ người nghệ sĩ thực sự quan tâm. Họ có thể tạo ra một sợi dây liên hệ đặc biệt với khán giả.

Con người thường thích tìm hiểu về người khác và những gì họ đang làm.
Khi kiên trì công khai mọi thứ, bạn sẽ tạo ra mối liên hệ với khách hàng. Nó cho phép họ nhìn thấy con người phía sau sản phẩm.
Khi dẹp cái tôi sang một bên và chia sẻ quá trình làm việc của bản thân. Chúng ta tạo điều kiện cho mọi người phát triển mối quan hệ với chúng ta và sản phẩm. Chính điều đó giúp chúng ta bán được nhiều sản phẩm hơn.
“Để tạo ra các mối liên hệ, chúng ta phải hiện hữu trước công chúng một cách rõ ràng.”

Ghi chép lại tất cả những gì bạn làm

Dù nghề nghiệp của bạn là gì thì những việc bạn làm vẫn mang tính nghệ thuật. Và ngoài kia sẽ có người quan tâm đến môn nghệ thuật đó. Chỉ cần bạn giới thiệu nó cho họ một cách đúng đắn.

3. Mỗi ngày chia sẻ một vài điều nho nhỏ

“Xuất hiện mỗi ngày và chia sẻ công việc với công chúng. Rồi bạn sẽ gặp được những người vô cùng thú vị.”

Gửi đi thông điệp mỗi ngày

Cuối ngày, sau khi làm xong việc. Hãy trở lại với đống tài liệu ghi chép và chọn ra một đoạn nhỏ để chia sẻ. Nội dung chia sẻ tùy thuộc vào tiến trình công việc. Nếu chỉ mới bắt đầu, hãy nói về những ảnh hưởng và cảm hứng tác động lên bạn. Nếu đang ở giai đoạn giữa của dự án. Hãy chia sẻ về phương pháp bạn áp dụng và sản phẩm còn đang dang dở đó. Nếu vừa hoàn thành một dự án. Hãy đưa ra sản phẩm cuối cùng. Chia sẻ đoạn không xuất hiện trong sản phẩm đó. Hoặc viết về những gì bạn học được. Nếu đã tung nhiều dự án ra xã hội. Bạn có thể báo cáo xem chúng đang hoạt động thế nào. Mọi người tương tác với sản phẩm của bạn ra sao.

Một thông điệp mỗi ngày thậm chí còn tốt hơn cả một bản CV hay một danh mục sản phẩm mẫu. Bởi nó thể hiện được những gì chúng ta đang làm ở ngay thời điểm hiện tại.

Đừng nói bạn không có thời gian. Chúng ta đều bận rộn, nhưng ai cũng có 24 giờ mỗi ngày. Mọi người thường hỏi tôi: “Làm sao anh có thời gian để làm tất cả những việc này?”, tôi trả lời: “Tôi phải tìm nó”. Tìm kiếm thời gian giống như tìm tiền lẻ trong các khe hở và ngóc ngách. Bạn sẽ tìm thấy chúng trong các khe hở giữa những công việc lớn – khi di chuyển, khi ăn trưa, vài tiếng sau khi con bạn đã ngủ…

Có thể bạn sẽ phải mất đi vài tập phim truyền hình yêu thích, hay phải ngủ ít đi một tiếng. Nhưng bạn sẽ có thời gian nếu bỏ chút công sức tìm tòi.

Bài kiểm tra: “THẾ THÌ CÓ GÌ ĐẶC BIỆT?”

“Đừng nhầm: đây không phải là viết nhật ký. Bạn không được viết ra mọi thứ, mà phải lựa chọn cẩn thận từng từ.”

Luôn nhớ rằng tất cả những gì bạn đưa lên mạng đều ở chế độ công khai.
Đừng đưa lên mạng những thứ mà bạn chưa sẵn sàng cho tất cả mọi người nhìn thấy.

Hãy cởi mở và chia sẻ những sản phẩm chưa hoàn thiện và không hoàn hảo mà bạn muốn mọi người nhận xét, nhưng đừng chia sẻ tất cả mọi thứ. Có một sự khác biệt rất lớn giữa chia sẻ và chia sẻ quá đà.

Chia sẻ là một hành động hào phóng – bạn đưa ra thứ gì đó vì bạn nghĩ nó có thể hữu ích hoặc thú vị đối với ai đó ngồi phía bên kia màn hình.

Sau khi chấm điểm và trả bài luận cho sinh viên, một giáo sư đại học của tôi bước lên bục giảng và viết một dòng chữ lớn: “THẾ THÌ CÓ GÌ ĐẶC BIỆT?” Sau đó bà ném mấu phấn xuống và nói, “hãy tự hỏi mình câu đó mỗi lần nộp một bài luận.” Bài học đó khiến tôi nhớ mãi.

Đừng bao giờ quên áp dụng bài kiểm tra “Thế thì có gì đặc biệt?” trước khi chia sẻ bất cứ thứ gì. Đừng nghĩ quá nhiều, chỉ cần tin vào cảm giác của mình. Nếu bạn không chắc có nên chia sẻ thứ gì đó hay không, hãy cứu để nó lại trong vòng 24 giờ. Hãy lôi nó ra vào ngày hôm sau và nhìn nó theo một hướng mới. Tự hỏi “Liệu nó có hữu ích và thú vị không?” Để dành không có gì sai trái cả. Nút tạm lưu bản nháp cũng giống như một liều thuốc phòng bệnh – có thể lúc này bạn không cảm thấy dễ chịu, nhưng sáng hôm sau, bạn sẽ thấy may mắn vì mình đã uống liều thuốc đó.

Biến lưu lượng thành trữ lượng

Lưu lượng là những bài viết mới trên các trang mạng xã hội. Đó là luồng thông tin được cập nhật hàng ngày, hàng giờ để nhắc nhở mọi người rằng bạn vẫn đang tồn tại.
Trữ lượng là giá trị lâu bền. Nghĩa là nội dung bạn tạo ra ngày hôm nay vẫn phải thu hút công chúng trong 2 tháng (hoặc 2 năm) tới. Đó là thứ sẽ phát tán chậm rãi nhưng chắc chắn, và theo thời gian bạn sẽ dần thu hút được một khối lượng khán giả.

Một khi coi chia sẻ là một phần của công việc hàng ngày, bạn sẽ để ý thấy những đề tài và xu hướng dần xuất hiện trong các bài chia sẻ của bạn. Bạn sẽ tìm thấy những hình mẫu trong lưu lượng. Khi phát hiện ra những hình mẫu này, hãy thu thập những mảnh nhỏ đó và biến chúng thành thứ lớn lao và quan trọng hơn. Bạn có thể biến lưu lượng thành trữ lượng. Ví dụ, rất nhiều ý tưởng trong cuốn sách này ban đầu chỉ là các dòng chia sẻ trên twitter, sau đó trở thành các bài viết trên blog, rồi sau đó mới trở thành các chương sách. Nếu được tích tụ theo thời gian, những thứ nhỏ nhặt sẽ trở nên to lớn.

Xây dựng một tên tuổi (tên miền) tốt

Mạng xã hội rất tuyệt vời, nhưng không được bền lâu. Nếu thực sự thích chia sẻ công việc và bộc bạch bản thân, tốt nhất bạn nên có một khoảng không gian trên mạng, một nơi bạn có thể kiểm soát, một “trụ sở” để mọi người luôn tìm thấy bạn ở đó khi cần.
Vì thế nếu chỉ học được một điều từ cuốn sách này thì nó chính là: Hãy đăng ký một tên miền của riêng bạn.

Việc sở hữu không gian riêng thú vị ở chỗ bạn có thể làm gì với nó tùy thích. Tên miền thuộc về bạn. Hãy tạo dựng một tên miền hay, giữ cho nó sạch sẽ, và cuối cùng nó sẽ chính là tiền bạc của bạn. Dù mọi người có xuất hiện hay không thì bạn cũng vẫn đang ở đó, làm công việc của mình, và sẵn sàng chờ bất cứ khi nào họ đến.

4. Mở cửa căn phòng của những kỳ quan

“Vấn đề của việc tích trữ là bạn sẽ sống dựa trên nguồn dự trữ. Nếu cho đi mọi thứ bạn có, bạn sẽ chẳng còn lại gì.
Khi đó bạn bắt buộc phải tìm kiếm, phải để ý, phải bổ sung… và vô hình chung, càng cho nhiều, bạn càng nhận lại nhiều hơn.”

Đừng trở thành kẻ đầu cơ tích trữ

Chúng ta đều có những bộ sưu tập quý giá của riêng mình. Chúng có thể là những chăn phòng kỳ diệu hữu hình, chẳng hạn như các giá sách trong phòng khách đừng đầy tiểu thuyết, đĩa hát, phim ảnh, hoặc các bảo tàng ở dạng vô hình trong tâm trí con người. Đầu óc chúng ta ghi lại ký ức về những nơi ta từng đến, những người ta từng gặp, và những kinh nghiệm ta tích góp. Tất cả chúng ta đều mang theo bên mình những thứ kỳ diệu và tuyệt vời mà chúng ta bắt gặp trong quá trình sống và làm việc. Những ghi chép trong tâm trí đó hình thành sở thích của mỗi người và sở thích tác động đến công việc.

Sự khác biệt giữa sưu tầm và sáng tạo không quá lớn như bạn tưởng. Rất nhiều nhà văn mà tôi biết coi đọc và viết là hai hành động gần như khác biệt: Đọc là nguyên liệu cho viết và viết là nguyên liệu cho đọc. Nhà văn Jonathan Lethem từng nói: “Tôi luôn cảm thấy việc viết sách có mối liên hệ mật thiết với kinh nghiệm bán sách của tôi. Trong cả hai trường hợp, tôi đều muốn thu hút sự quan tâm của mọi người đến những thứ tôi thích, để nhào nặn những thứ tôi thích thành hình dáng mới”

Thị hiếu làm nên con người, nhưng chúng cũng có thể tạo thành một cái bóng bao trùm lên công việc.
Trước khi thực hiện bước nhảy vọt là chia sẻ công việc của mình với cả thế giới, chúng ta có thể chia sẻ thị hiếu của bản thân đối với công việc của người khác. Bạn lấy cảm hứng từ đâu? Bạn thu nạp vào đầu những gì? Bạn đọc gì? Bạn có theo dõi bản tin nào không? Bạn thường truy cập những trang web nào?…

Tất cả những gì  gây ảnh hưởng lên bạn đều đáng được chia sẻ, bởi chúng cho mọi người thấy bạn là ai và bạn làm gì – đôi khi nó còn nói lên nhiều điều hơn cả công việc.

Không có cái gọi là thú vui tội lỗi

“Tôi không tin vào khái niệm thú vui tội lỗi. Nếu bạn thích thứ gì đó thì cứ việc thích thôi.”

“Bới rác” là một trong những công việc của nghệ sĩ – tìm kiếm báu vật trong rác thải của người khác, lục lọi trong những mảnh vụn  văn hóa, để ý những thứ mà mọi người bỏ qua, và tìm nguồn cảm hứng từ những vật mà người khác vứt đi, dù vì bất cứ lý do gì.

Tất cả mọi thứ chúng ta cần để tìm ra những viên ngọc giấu kín là con mắt tinh tường, tư duy cởi mở và thái độ sẵn sàng tìm kiếm nguồn cảm hứng ở những nơi con người không muốn hoặc không thể tìm tới.

Khi tìm được những thứ bạn thực sự yêu thích, đừng để bất kỳ ai làm bạn cảm thấy tồi tệ về điều đó. Không cần phải cảm thấy tội lỗi về những thú vui có được từ sở thích. Cứ việc vui vẻ với chúng.

Cởi mở và chân trành về những gì bạn thích là cách tốt nhất để kết nối với những người có sở thích giống bạn.

Luôn công nhận sự đóng góp của người khác

Nếu chia sẻ sản phẩm của người khác, bạn phải có nhiệm vụ đảm bảo người đó nhận được sự vinh danh xứng đáng.

Nếu không vinh danh tác giả của những tác phẩm mà bạn chia sẻ một cách thỏa đáng, bạn không chỉ đánh cắp sản phẩm của họ mà còn đánh cắp của tất cả người xem. Không có nguồn trích dẫn, họ không biết đào sâu hoặc tìm kiếm thêm thông tin về sản phẩm đó ở đâu.

Ghi nhận tức là đưa ra thông tin về những gì bạn chia sẻ: tác phẩm đó là gì, ai tạo ra nó, họ tạo ra nó như thế nào, nó ra đời khi nào và ở đâu. Ghi nhận tức là dán vài tấm nhãn ghi chú giống như trong bảo tàng bên cạnh những thứ mà bạn chia sẻ.

Một thông tin ghi nhận nữa mà chúng ta thường bỏ qua là chúng ta tìm thấy tác phẩm đó ở đâu. Chúng ta nên có thói quen cảm ơn những người giúp chúng ta tìm thấy những tác phẩm hay, và để lại chút dấu tích để những người đọc chia sẻ có thể lần về ngọn nguồn cảm hứng của bạn.

5. Kể những câu chuyện hay

Sản phẩm không bao giờ tự lên tiếng

“Khi được cho xem một vật nào đó, được đưa đồ ăn, hoặc được nhìn một khuôn mặt, quá trình thẩm định của con người phụ thuộc rất nhiều vào những gì họ được giới thiệu về nó”.

Ngôn từ thực sự có giá trị. Các nghệ sĩ thường không muốn dùng những dòng miêu tả quen thuộc và nhàm chán. Họ nói “Tác phẩm của tôi sẽ tự lên tiếng”. Nhưng sự thật là tác phẩm của chúng ta không tự nói được.

Con người muốn biết mọi vật bắt nguồn từ đâu, được làm ra như thế nào, và ai tạo ra chúng. Câu chuyện mà bạn kể về sản phẩm của mình có ảnh hưởng mạnh mẽ đến cảm xúc cũng như hiểu biết của mọi người về nó, và hai yếu tố này lại ảnh hưởng đến giá trị họ gắn cho sản phẩm.

Nếu muốn chia sẻ về bản thân và công việc hiệu quả hơn, bạn cần trở thành một người kể chuyện tài tình. Bạn cần biết thế nào là một câu chuyện hay và làm sao để kể một câu chuyện như vậy.

“‘Con mèo ngồi trên thảm’ không phải là một câu chuyện. ‘Con mèo ngồi trên thảm của con chó’ mới là câu chuyện”

Cấu trúc có ý nghĩa quyết định

Phần quan trọng nhất của một câu chuyện là cấu trúc. Một cấu trúc hay phải gọn gàng, chắc chắn và logic.

Dù bạn đang kể một câu chuyện đã kết thúc hay vẫn còn dang dở, hãy luôn nghĩ đến khán giả của mình. Trò chuyện trực tiếp với họ bằng ngôn ngữ đơn giản. Tôn trọng thời gian của họ. Hãy nói ngắn gọn. Học các nói chuyện và cách viết. Sử dụng chức năng sửa lỗi chính tả. Bạn sẽ không thể đảm bảo “tính chân thật” cho câu chuyện mà không rà soát hoặc sửa lỗi dấu câu.

Mọi người thích những câu chuyện hay, nhưng chuyện hay thì không phải ai cũng kể được. Đó là một kỹ năng cần được mài giũa. Vì thế hãy đọc những câu chuyện tuyệt vời và sau đó tìm một câu chuyện cho chính mình. Càng kể lại nhiều, chuyện của bạn sẽ  càng trở nên thú vị.

6. Dạy những gì bạn biết

“Việc mong muốn giữ lại những gì bạn học được không chỉ đang hổ thẹn mà còn mang tính phá hoại. Bất cứ thứ gì bạn không sẵn sàng và háo phóng cho đi đều sẽ rời bỏ bạn. Bạn mở két sắt ra và sẽ chỉ thấy toàn tro bụi mà thôi” — Annie Dillard

Chia sẻ kinh nghiệm kinh doanh của bạn

Hướng dẫn không có nghĩa là cạnh tranh ngay lập tức. Bạn biết các kỹ thuật của người thầy không có nghĩa là bạn có thể ganh đua ngay được. Bạn có thể xem đi xem lại video hướng dẫn của Franklin, nhưng bạn có sẵn sàng dành 22 giờ một ngày để nướng số thịt sẽ bán sạch chỉ sau 2 giờ? Có thể là không. Nếu là tôi, tôi sẵn sàng vui vẻ trả 13 đô la cho gần nửa cân thịt.

Gia đình Franklin thực sự yêu thích thịt nướng. Họ đặc biệt cố gắng chia sẻ kiến thức của mình. Mọi người thường ghé qua hỏi han kinh nghiệm để tự nướng thịt ức, và Aaron luôn tử tế, kiên nhẫn trả lời mọi câu hỏi của họ. Bạn không hề cảm thấy họ làm việc này một cách tính toán. Đó đơn giản là cách họ làm việc – ban đầu họ chỉ là lính mới, và vì thế họ cảm thấy mình phải có trách nhiệm truyền lại những gì đã học được.

Thử nghĩ xem, bạn có thể chia sẻ điều gì từ quá trình làm việc của mình cho những người mà bạn đang cố hướng tới? Các kỹ thuật của bạn là gì? Bạn có giỏi sử dụng các công cụ hay vật liệu nào không? Bạn có được kiến thức gì từ công việc?
Ngay giây phút bạn học được thứ gì đó, hãy truyền đạt nó lại cho mọi người.

Chia sẻ với người khác không làm giảm giá trị sản phẩm của bạn, mà chỉ tăng thêm giá trị cho nó. Hướng dẫn ai đó làm những việc bạn làm cũng chính là cách thu hút sự chú ý. Mọi người cảm thấy gần gũi với công việc của bạn hơn vì bạn chia sẻ cho họ những gì bạn biết. Và trên hết, khi chia sẻ kiến thức và công việc với mọi người, bạn cũng nhận được lại những bài học.

7. Đừng tự biến mình thành cỗ máy spam

“Khi ai đó nhận ra họ được lắng nghe, họ sẽ kể cho bạn nhiều thứ”
— Nhà văn Richard Ford

Im lặng và lắng nghe

Tất cả những người cầm bút đều hiểu rằng nếu muốn trở thành một nhà văn thì trước tiên bạn phải là một độc giả.

“Cộng đồng viết lách không thiếu những người kém cỏi, chỉ muốn có bài đăng lên tạp chí dù chẳng bao giờ đọc cuốn tạp chí mà họ muốn được đăng bài”, nhà văn Dan Chaon nói. “Những kẻ đó đáng bị từ chối (đương nhiên là họ sẽ bị từ chối), và chúng ta chẳng việc gì phải cảm thông khi họ than vãn rằng không ai đoái hoài gì đến tác phẩm của họ.”

Tôi gọi những người đó là cỗ máy spam. Họ ở khắp mọi nơi và tồn tại ở mọi ngành nghề. Họ không muốn trả phí mà chỉ muốn nhận được phần của mình. Họ không muốn nghe ý tưởng của bạn mà chỉ muốn người khác nghe ý kiến của họ. Họ không muốn vào các buổi biểu diễn, mà chỉ muốn nhét tờ rơi vào tay bạn trên vỉa hè và ra sức mời gọi bạn đến với họ. Bạn nên cảm thấy thương hại cho những kẻ ảo tưởng như thế. Đôi khi, họ không hiểu được một điều cơ bản rằng thế giới chẳng nợ chúng ta điều gì hết.

Dù nổi tiếng đến đâu, các nghệ sĩ có lối tư duy tiến bộ ngày nay không chỉ tìm kiếm người hâm mộ hay người tiêu dùng thụ động, họ còn tìm kiếm cộng tác viên tiềm năng hay người đồng chí hướng. Họ hiểu rằng sản phẩm tốt không được tạo ra một cách tách biệt với thế giới, và rằng trải nghiệm nghệ thuật luôn là con đường hai chiều, nó sẽ không đầy đủ nếu không có ý kiến phản hồi của khán giả. Những nghệ sĩ này thường xuyên lên mạng trả lời các câu hỏi. Họ mong được người khác gợi ý những tác phẩm nên đọc. Họ tán gẫu với người hâm mộ về những gì họ thích.

Muốn có người hâm mộ  thì trước tiên bạn phải là một người hâm mộ  trước đã. Nếu muốn được một cộng đồng chấp nhận, đầu tiên bạn phải là một công dân tốt của cộng đồng đó. Nếu chỉ chăm chăm quan tâm đến sản phẩm của mình trên mạng thì bạn đang đi sai hướng. Bạn phải là người kết nối. Nếu bạn nhận được thì bạn phải cho đi.  Nếu muốn được để ý, bạn cũng phải để ý. Hãy im lặng và lắng nghe. Chín chắn. Thận trọng. Đừng biến thành một cỗ máy spam. Hãy là một trạm trung chuyển thông tin.

Bạn muốn trái tim, không phải chỉ là ánh mắt

Hãy ngừng lo lắng về số lượng, mà chuyển sang quan tâm đến chất lượng những người theo dõi mình trên mạng.

Nếu muốn có người theo dõi, hãy làm sao để xứng đáng được theo dõi.
Làm những việc bạn muốn làm, nói về những thứ bạn yêu thích, và bạn sẽ thu hút được những người có cùng thị hiếu. Chỉ đơn giản vậy thôi.

Đừng tỏ ra lập dị. Đừng lãng phí thời gian của người khác. Đừng đòi hỏi quá nhiều. Và đừng bao giờ yêu cầu mọi người theo dõi bạn. “Theo dõi lại tôi nhé” là câu hỏi thảm nhất trên Internet.

Bài kiểm tra Ma Cà Rồng

“Bất cứ điều gì khiến bạn hứng thú, hãy bắt tay làm nó. Bất cứ điều gì khiến bạn mệt mỏi, hãy ngừng công việc đó lại.”

Bài Kiểm Tra Ma Cà Rồng là một cách đơn giản để biết bạn nên giữ ai, loại ai ra khỏi cuộc sống của bạn. Nếu sau khi gặp gỡ ai đó mà bạn cảm thấy mệt mỏi và kiệt sức thì người đó đích thị là ma cà rồng. Tất nhiên, Bài Kiểm Tra Ma Cà Rồng có hiệu quả với rất nhiều thứ trong cuộc sống, không chỉ với con người – bạn có thể áp dụng nó cho công việc, sở thích, nơi chốn,…

Bệnh ma cà rồng không thể chữa được. Nếu bạn thấy ma cà rồng xuất hiện quanh mình, hày làm giống như Brancusi và đuổi nó ra khỏi cuộc sống của bạn mãi mãi.

Nhận dạng những người “cùng hội cùng thuyền”

“Một phần của công việc sáng tạo chính là tìm kiếm những người cùng hội cùng thuyền. Họ ở khắp mọi nơi. Nhưng đừng tìm họ ở nhầm chỗ.”

Khi công khai về bản thân và công việc, bạn sẽ gặp được những người cùng lĩnh vực một cách tự nhiên. Đó là những người thực sự ngang hàng với bạn – những người có cùng đam mê, cùng sứ mệnh, những người chia sẻ sở thích chung.

Người như thế không nhiều, nhưng họ vô cùng, vô cùng quan trọng. Hãy làm những việc có thể để nuôi dưỡng mối quan hệ với những người đó. Hãy tán dương họ trước mọi người. Mời họ hợp tác. Cho họ xem sản phẩm của bạn trước tiên. Gọi điện cho họ và chia sẻ bí mật. Giữ họ ở càng gần càng tốt.

Gặp gỡ ngoài đời thực

“Tôi và bạn sẽ sống lâu hơn Twitter nhiều, và không có gì có thể thay thế sự tương tác trực tiếp cả.”
— Tác giả Rob delaney

Gặp gỡ mọi người trên mạng là trải nghiệm tuyệt vời, nhưng biến họ thành những người bạn đời thực còn tuyệt vời hơn.

8. Học các chịu đòn

Đưa sản phẩm của mình ra trước toàn thế giới có nghĩa là bạn phải sẵn sàng đối mặt với mọi sự tốt xấu. Càng nhiều người nhìn thấy sản phẩm của bạn, nhưng lời chỉ trích càng tăng. Dưới đây là cách chịu đòn:

Thư giãn và hít thở.

Vấn đề của những người giàu trí tưởng tượng là họ rất giỏi hình dung những gì tồi tệ nhất có thể xảy ra. Sợ hãi chỉ là trí tưởng tượng đi sai đường. Bị chỉ trích nặng nề không phải là tận thế. Theo tôi biết, chẳng ai chết vì một lời nhận xét tồi tệ cả. Hít một hơi thật sâu và chấp nhận những gì sắp tới.

Luyện tập cho cổ cứng hơn.

Cách luyện tập để chịu đòn là hãy bị nhận đòn thật nhiều. Ra mắt thật nhiều sản phẩm. Để mọi người nỗ lực nhằm vào chugns mà chỉ trích. Sau đó tạo thêm nhiều sản phẩm khác và tiếp tục ra mắt. Càng nhận được nhiều lời chỉ trích, bạn càng nhận ra chúng không thể làm bạn đau.

Né theo chiều cú đấm.

Tiếp tục tiến lên. Mỗi lời chỉ trích là một cơ hội cho tác phẩm mới ra đời. Bạn không thể quyết định mình sẽ nhận được những lời phê bình như thế nào, nhưng bạn có thể quyết định cách phản ứng của mình trước chúng. Thỉnh thoảng, nếu mọi người ghét thứ gì đó trong sản phẩm của bạn, việc đẩy nó đi xa hơn cũng là việc làm khá vui nhộn. Hãy tạo ra thứ gì đó mà họ thậm chí còn ghét hơn. Có sản phẩm được một số người ghét cũng là một danh dự rồi.

Bảo vệ những vùng dễ tổn thương.

Nếu sản phẩm nào đó của bạn quá nhạy cảm hoặc quan trọng đến mức bạn không thể chịu được khi nhận lời chỉ trích thì cứ giấu nó đi. Nhưng hãy nhớ những gì nhà văn Colin Marshall đã nói: “Cố tình trốn tránh sự khó xử cũng là một hành động tự sát”. Nếu dành cả đời để tránh bị tổn thương, bạn và tác phẩm của bạn sẽ không bao giờ thực sự có mối liên kết với mọi người.

Giữ thăng bằng.

Xin nhớ rằng công việc là những gì bạn làm chứ không đại diên cho con người bạn. Các nghệ sĩ đặc biệt khó chấp nhận điều này, vì hầu hết những gì họ làm đều mang tính cá nhân. Đừng chỉ chăm chăm đến công việc, hãy ở bên gia đình, bạn bè và những người thực lòng yêu quý bạn.

“Đừng bận lòng vì nhận xét của MỌI NGƯỜI, chỉ cần quan tâm đến nhận xét của NGƯỜI ĐÁNG QUAN TÂM là được.”
— Brian Michael Bendis

Đừng chấp những kẻ chơi khăm

Bước đầu tiên trong việc đánh giá phản hồi là tìm hiểu xem phản hồi đó của ai. Bạn muốn nhận được phản hồi từ những người thực sự quan tâm đến bạn và công việc của bạn. Hãy thật cẩn thận với ý kiến phản hồi từ bất cứ ai nằm ngoài phạm vi đó.

Một kẻ chơi khăm là người không hề muốn giúp bạn cải thiện sản phẩm,
mà chỉ khiến bạn tức điên với kiểu nói chuyện đầy thù hằn,
hung hăng và khó chịu.
Bạn sẽ chẳng nhận được gì nếu dây dưa với loại người đó.

9. Bán rẻ nghệ thuật

10. Đừng bỏ cuộc

— Tiếp tục cập nhật —

5 2 đánh giá
Đánh giá bài viết
Theo dõi
Thông báo của
guest
1 Bình luận
Cũ nhất
Mới nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
jay
jay
1 năm trước

cảm ơn bạn đã chia sẻ

1
0
Rất thích suy nghĩ của bạn, hãy bình luận.x