[Review] Tôi đi nhổ răng ở bệnh viện Thu Cúc – Nhổ răng khôn số 8

Xin chào,

Hôm qua tôi mới đi nhổ răng số 8 (răng khôn) ở bệnh viện Thu Cúc. Tôi sẽ chia sẻ nhanh trải nghiệm của tôi trong bài viết này. Để những ai đang có ý định nhổ răng có thể tham khảo nhé. Bắt đầu luôn đây.

Ban đầu tôi định đi nhổ răng ở phòng khám nha khoa bên ngoài. Tôi đã đi chụp X-Quang và định tới phòng khám để nhổ. Nhưng sau đó tôi nghe nói nhổ xong bị sưng đau mấy ngày. Mà công việc của tôi thì đang khá bận nên tôi tạm hoãn chưa đi nhổ răng ngay.

Hôm qua tôi đưa vợ con đi khám bệnh tại bệnh viện Thu Cúc. Ở đây cũng có khoa Răng Hàm Mặt nên tôi tranh thủ vào khám răng luôn.

Mục lục

1 – Khám răng và làm hồ sơ

Tôi đưa bác sĩ xem ảnh chụp X-Quang trong điện thoại. Bác sĩ xem rồi bảo phải nhổ 4 răng số 8. Tôi bảo nhổ 2 răng bên trái trước còn bên phải nhổ sau. Nhổ một bên như vậy thì bạn có thể ăn uống được ở bên còn lại. Bác sĩ nhất trí và đưa nhân viên làm hồ sơ cho tôi.

Trong lúc làm hồ sơ thì bạn nhân viên bảo tôi ra kiểm tra răng để xem còn cần làm thêm gì thì cho vào hồ sơ luôn. Tại vì lúc nãy vào đưa ảnh X-Quang cho bác sĩ xem và chốt nhổ răng luôn, chưa kiểm tra thêm gì. Tôi ok, ra kiểm tra.

Kết quả là:

Cao răng độ 2

Thấy bạn nhân viên kêu là nhiều. Tôi lấy cao răng lần gần nhất là năm ngoái. Hàng ngày đánh răng nhìn cũng không nhiều lắm. Nhưng có những góc khuất mình không nhìn thấy được. Nên lần sau cứ 6 tháng đi lấy một lần cho chắc. Dấu hiệu cho biết bạn cần đi lấy cao răng là chảy máu khi đánh răng. Lấy cao răng xong sẽ hết chảy máu trong một thời gian.

Mòn cổ chân răng

Định nghĩa:

Bệnh lý mòn cổ chân răng hay còn gọi là tiêu chân răng hình chêm là hiện tượng mất đi lớp men răng ở cổ răng. Ở vùng cổ răng xuất hiện một rãnh sâu, lõm vào hình chữ V ở mặt ngoài răng ở sát viền lợi. Bệnh mòn cổ chân răng gây ra những cơn ê buốt, đau nhức răng rất khó chịu, khiến việc ăn nhai, vệ sinh răng miệng trở nên khó khăn hơn, làm răng bị lung lay, thậm chí dẫn đến mất răng.

Tôi bị mòn 4 – 5 răng gì đó, không nhớ rõ. Cái này cần xử lý nếu không răng sẽ bị lung lay và không phục hồi được.

Giải pháp: Hàn cổ chân răng.

Sâu răng

Nhìn qua gương thì tôi thấy mình bị sâu răng số 8 hàm dưới và răng cạnh đó có dấu hiệu bị sâu. Vì thế mới quyết định đi nhổ răng số 8.

Nhưng khi khám thì bạn nhân viên bảo là sâu 2 răng số 7 hàm trên và 1 răng số 7 hàm dưới. Tổng là 3 răng.

Nếu bạn bị sâu răng nhẹ thì hàn trám vào là xong. Nếu bạn để bị sâu răng nặng, vào đến tuỷ thì phải điều trị tuỷ rất mệt, đau và tốn chi phí. Bạn nên khám răng và xử lý sớm nếu nghi ngờ bị sâu răng.

Viêm lợi, viêm quanh răng

Nhìn chung với những người ít đi kiểm tra răng miệng thì rất dễ bị viêm lợi. Tôi vẫn đánh răng và dùng nước súc miệng hàng ngày và chẳng nghĩ gì đến chuyện viêm lợi. Lúc khám nhân viên họ nói mới biết. Viêm lợi gây sưng đỏ lợi, chảy máu, tụt lợi, lộ chân răng,…

Nếu bạn phát hiện và xử lý sớm thì có thể điều trị tại nhà. Nhưng nếu bạn bị nặng mới điều thị thì cần điều trị tại bệnh viện. Bạn phải đến viện hàng ngày để bôi thuốc. Trường hợp của tôi phải đến viện hàng ngày để điều trị. Nhưng tôi chưa làm ngay vì cần sắp xếp thời gian.

Chi phí điều trị viêm lợi nặng khoảng 4 triệu đồng.

2 – Thanh toán chi phí và mua thuốc

Làm hồ sơ xong thì tôi được hướng dẫn đi thanh toán chi phí và mua thuốc trước. Sau đó tôi đi ăn và quay lại vào buổi chiều để xử lý các vấn đề về răng và nhổ răng.

2.1 – Chi phí nhổ răng:

Bác sĩ bảo có 2 phương pháp:

  • Một là nhổ răng theo phương pháp thông thường. Chi phí 1.5 triệu răng hàm trên và 2.9 triệu răng hàm dưới.
  • Hai là nhổ răng theo phương pháp mới (tôi không nhớ tên). Chi phí 3 triệu răng hàm trên và 5 triệu răng hàm dưới. Bác sĩ bảo là phương pháp này giảm sưng đau khi nhổ.

Tôi chọn phương pháp nhổ thông thường.

Có thể bạn thường nghe người ta quảng cáo về các phương pháp nhổ răng không đau. Kiểu như nhổ răng bằng sóng siêu âm… Nhưng bạn cần biết rằng tất cả các phương pháp đều là  KHÔNG ĐAU TRONG KHI NHỔ. Còn sau khi nhổ xong thì bạn vẫn đau như thường thôi, hehe.

2.2 – Chi phí mua thuốc:

Tôi tưởng phải tốn vài triệu tiền thuốc, nhưng mà không phải vậy. Tôi chỉ tốn khoảng 300 nghìn tiền thuốc thôi. Bạn cần mua thuốc trước để uống trước khi nhổ răng nhé.

3 – Xử các vấn đề về răng và nhổ răng

Sau khi đi ăn ở tầng 8 thì tôi quay lại khoa răng hàm mặt và bắt đầu làm.

3.1 – Lấy cao răng

Trước tiên là công đoạn làm sạch răng hay gọi là lấy cao răng. Tôi cảm thấy quá trình này khá lâu, chắc phải làm kĩ để lát nữa còn hàn răng. Bình thường tôi lấy cao răng ở phòng khám ngoài chỉ khoảng 10 – 15 phút. Ở đây thì tôi cảm giác như gấp đôi thời gian đó. Được cái nhân viên cũng tận tình, vừa làm vừa trấn an khách hàng nên cũng cảm thấy dễ chịu.

3.2 – Hàn cổ răng

Hiu hiu, quá trình này có lẽ là dễ chịu nhất.

3.3 – Hàn răng sâu

Sau khi lấy cao răng xong thì nhân viên báo là phát hiện thêm 3 răng sâu nữa. Èo, thôi đã làm thì làm cho hết luôn. Nhưng có một cái bạn nhân viên bảo là nghi vào tuỷ rồi, không hàn được. Cái răng này bị dị dạng. Bạn ấy xem lại mấy lần, xong gọi bác sĩ ra xem. May sao bác sĩ xem xong thì bảo không sao, vẫn hàn được, chưa vào tuỷ đâu.

Thế là tôi hàn 5 cái răng sâu luôn. Hàn răng thì phải khoét bỏ chỗ sâu rồi mới hàn, hơi đau đấy. Nhưng còn hơn là bị vào tuỷ. Nên hãy đi xử lý sớm nếu bạn có răng sâu nhé.

3.4 – Nhổ răng số 8 (răng khôn)

Đến lúc nhổ răng rồi, tôi cũng không hồi hộp lắm. Lúc mới có ý định nhổ răng thì sợ đau lắm. Lúc nhỏ đã sợ đi tiêm rồi, hehe. Nhưng về sau thì lại thấy bình thường. Tôi nghĩ: “có cái gì đâu, ngồi vào và nhổ là xong thôi mà”. Lúc bác sĩ ngồi vào ghế chuẩn bị nhổ răng, tôi nghĩ lại câu nói đấy trong đầu.

Bác sĩ chỉnh chỉnh lại ví trí đèn và bảo tôi nghiêng đầu. Tôi làm theo và cũng chẳng nghĩ ngợi gì nữa. Xong thấy bác sĩ cầm ống tiêm, có mũi tiêm cong cong. Hiu hiu, chưa kịp nghĩ gì đã thấy bị cắm mũi tiêm vào lợi rồi. Đau, tôi gồng cứng người, bác sĩ bảo thả lỏng, xong bơm dần thuốc tê. Bị tiêm thêm vài mũi nữa, hix hix.

Vừa tiêm xong thuốc là bác sĩ đã lấy dụng cụ nhổ cái răng hàm trên rồi. Tôi nghĩ sao nhanh thế, không chờ thuốc tê ngấm sao? Nhưng mà đúng là không cảm thấy gì thật, 2 phút là xong cái răng hàm trên.

Răng hàm dưới thì lâu hơn, phải dùng khoan và kìm gắp mãi mới được. Chắc khoảng 5 – 10 phút gì đó. Tất nhiên là tôi không cảm thấy gì rồi.

Nhổ xong 2 răng thì bác sĩ dùng chỉ khâu lại. Èo, nhìn thấy cái kim lại thấy sợ, nhưng giờ có thuốc tê rồi nên lúc bác sĩ khâu tôi cũng không cảm thấy gì.

Khâu xong thì bạn nhân viên thông báo là nhổ xong 2 răng rồi.

3.5 – Lấy cao răng lần 2

Nhổ răng xong tôi lại thấy một bạn khác ngồi vào bảo lấy lại cao răng. Tôi không hiểu lắm, cứ làm theo thôi. Bạn ấy bảo lúc nãy bạn nhân viên trước lấy chưa hết. Lần này bạn ấy tăng độ mạnh của máy, nên cảm thấy không dễ chịu như lần đầu. Nằm thêm một lúc thì cũng xong. Bạn ấy cho cắn miếng gạc cầm máu rồi dặn dò các thứ khi về nhà.

Tôi ra lấy hồ sơ, bác sĩ lại dặn lại thêm một lần nữa. Tôi chào bác sĩ rồi đi về.

4 – Về nhà và cơn đau sau khi nhổ răng

Thuốc tê sẽ hết tác dụng sau khoảng 2 – 3 tiếng. Lúc về đến nhà là tôi đã có cảm giác ở hàm trên rồi. Sau đấy thì bắt đầu tức tức khó chịu ở cả hàm trên và hàm dưới. Nhưng không đến nỗi đau lắm, tôi vẫn bế con được, hehe. Để không cảm thấy đau, tôi chọn cách đi ngủ. Ngủ được khoảng 1 tiếng thì tôi dậy, không còn cảm thấy đau nhiều nữa. Tối hôm đó ăn cháo thôi, xong lại uống thuốc, đi tắm và đi ngủ. Bác sĩ bảo vấn đánh răng bình thường nhé.

Buổi sáng dậy tôi không còn cảm thấy đau nữa. Ăn thêm một bữa cháo buổi sáng để uống thuốc. Đến trưa thì tôi ăn cơm bình thường rồi, chỉ có lúc nào há to miệng là hơi đau xíu thôi.

Vậy là tôi chỉ bị đau khoảng 2 tiếng khi về nhà và cũng không bị sưng gì cả. Không giống như mọi người vẫn nói, hehe.

5 – Tổng kết

Một vài điều rút ra:

  • Hãy khám răng định kì nếu có thể.
  • Lấy cao răng 6 tháng một lần.
  • Nếu nghi ngờ bị sâu răng, hãy đi xử lý ngay. Đừng để sâu vào đến tuỷ răng.
  • Nếu nghi ngờ bị viêm lợi, hãy đi xử lý ngay để có thể điều trị tại nhà và không tốn nhiều chi phí.
  • Nếu răng khôn số 8 mọc nghiêng, mọc lệch, bị sâu. Hãy đi nhổ răng.
  • Nhổ răng KHÔNG ĐAU TRONG KHI NHỔ. Còn kiểu gì bạn cũng phải chịu đau 2 lần, 1 là lúc tiêm thuốc tê, 2 là sau khi nhổ. Phương pháp nhổ răng nào cũng thế.
  • Nên vào viện để nhổ răng. Vì khi có biến thì bệnh viện sẽ chủ động xử lý hơn là phòng khám. Chi phí có thể cũng rẻ hơn vì giá niêm yết sẵn rồi và hình như là giá chung. Không có kiểu giá cao hơn theo độ khó. Ngoài ra bạn còn được hưởng quyền lợi từ bảo hiểm y tế nếu đúng tuyến.
  • Nhổ răng không đau như người ta đồn thổi. Có thể tuỳ theo từng người và tay nghề của bác sĩ. Với tôi thì thấy khá nhẹ nhàng.

Trên đây là trải nghiệm đi nhổ răng tại bệnh viện Thu Cúc của tôi. Mong là nó hữu ích đối với bạn.

 

3.5 11 đánh giá
Đánh giá bài viết
Theo dõi
Thông báo của
guest
1 Bình luận
Cũ nhất
Mới nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
dung
dung
4 tháng trước

 Chi phí 1.5 triệu răng hàm trên và 2.9 triệu răng hàm dưới.

Anh ơi chi phí này đã trừ BHYT chưa anh

1
0
Rất thích suy nghĩ của bạn, hãy bình luận.x